Nha khoa BLÓG

Nha khoa, các vấn đề về răng miệng được blog tại đây. Ghé thăm thì cmt 1 cái nhá :)

Răng bị vỡ và ê buốt sau “trám răng phòng ngừa”?

Chào bác sĩ,

Em vừa đi trám răng số 6 hàm trên bên trái, sau khi về nhà thì răng bị vỡ một mảng nhỏ ở thân răng và bị ê buốt khi nhai thức ăn. Em đã đi trám lại và hỏi thì được bác sĩ trả lời là do ngà răng bị kích thích nên mới đầu bị như vậy. Nhưng khi về nhà được 1 tuần vẫn không khỏi, cứ bị ê buốt mỗi khi nhai cơm. Em đi trám lại lần thứ 3 nhưng khi về vẫn bị như vậy.

Em rất lo lắng vì trước khi trám em ăn uống bình thường, chỉ trám phòng ngừa thôi mà giờ bị thế này, đi khám thì BS chỉ trám cho xong, không tư vấn gì cả. Xin BS tư vấn giúp em nên làm thế nào, có phải trị tủy răng không?

(Thanh Phong – Bình Định)

BS Đoàn Khánh Ngọc:


Ảnh minh họa
Bạn Phong thân mến,

Tôi không biết lỗ sâu của bạn trước khi trám ra sao nên không biết chắc được là vì sao lại như vậy. "Trám phòng ngừa" là do bác sĩ nói bạn phải trám phòng ngừa hay bạn tự nghĩ là mình chỉ trám phòng ngừa?

Vì nếu cụm từ "trám phòng ngừa" do bác sĩ nói ra thì thông thường là dành cho những răng có nguy cơ sâu rất cao, sớm muộn gì cũng sâu, nên mới trám phòng ngừa sâu răng.

Còn nếu cụm từ này do bạn tự nghĩ thì chưa chắc là đúng "phòng ngừa". Nhiều người thường nhầm lẫn là khi nào răng đau, lủng lỗ bự mới là sâu, còn chưa đau, chưa lủng lỗ thì không gọi là sâu. Điều này là sai vì khi răng bắt đầu đau thì lúc đó răng đã sâu lớn rồi, còn đa phần khi lỗ sâu còn nhỏ, răng chúng ta chưa có cảm giác gì cả. Vì vậy có thể bạn chưa thấy đau nên nghĩ là chỉ trám phòng ngừa, chứ thực sự ra lỗ sâu có thể đã lớn.

Tại sao tôi phải phân tích như vậy? Vì nếu răng bạn chưa sâu mà chỉ phòng ngừa thì chắc chắn không phải điều trị tủy, vì tủy răng không bị ảnh hưởng gì cả, và nếu đúng vậy thì tôi không nghĩ là răng bạn có thể đau như vậy. Cho nên có thể có 1 lý do nào khác ngoài miếng trám làm đau răng. Điều này phải đi khám mới biết được.

Còn nếu không phải, răng bạn đã bị sâu, thì có 2 lý do có thể xảy ra. Thứ nhất, đúng là miếng trám có khả năng kích thích tủy răng trong vài trường hợp đặc biệt. Khi đó bác sĩ thay vật liệu trám thông thường bằng 1 loại vật liệu khác không có tính kích thích tủy, hoặc nếu vẫn không được thì có thể trám tạm lại, chờ cho tủy răng ổn định lại rồi mới trám.

Thứ hai là do sâu răng đã ảnh hưởng tới tủy, dù bằng mắt thường không thấy được. Nếu vậy thì bạn phải điều trị tủy rồi mới trám được.

Tôi phải giải thích nhiều do không muốn bạn hiểu lầm rằng bác sĩ chỉ "trám dự phòng" mà bị như vậy, là bác sĩ dỏm... Và khi đi khám răng, có bất cứ điều gì không hiểu, bạn cứ mạnh dạn hỏi bác sĩ. Do trình độ nhận thức về sức khỏe răng miệng của mọi người chưa đồng đều, nên đôi khi rất khó cho bác sĩ vì không biết bạn không hiểu chỗ nào để giải thích. Có những người hiểu rất rõ về bệnh răng miệng, cũng có những người chỉ nghe mọi người truyền tai nhau nên có quan niệm chưa đúng. Vì vậy bạn hãy cứ hỏi đi, chắc chắn bác sĩ sẽ trả lời cho bạn nhiệt tình.

Thân chào bạn,