Nha khoa BLÓG

Nha khoa, các vấn đề về răng miệng được blog tại đây. Ghé thăm thì cmt 1 cái nhá :)

Triệu chứng bất ổn về sức khỏe xuất hiện ở răng

Miệng cũng là một trong những bộ phận thường được dùng để chẩn đoán bệnh, điều trị hoặc can thiệp vào một số căn bệnh


ảnh minh họa

Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa các bệnh về răng miệng với những căn bệnh viêm nhiễm mãn tính khác như tiểu đường, bệnh tim mạch và Alzheimer. Chính vì vậy, việc điều trị viêm nhiễm không chỉ giải quyết bệnh về răng miệng mà còn giúp kiểm soát các bệnh mãn tính nguy hiểm.

Phần nướu (lợi) răng khỏe mạnh sẽ có màu hồng và cứng, bám chắc vào chân răng, không tấy đỏ hay sưng phồng. Do đó, nếu hệ thống răng lợi có bất thường, bạn cần đến nha sĩ để kiểm tra và xác định chính xác nguyên nhân. Hãy cùng tìm hiểu những triệu chứng bất ổn về sức khỏe thông qua một số dấu hiệu xuất hiện ở răng, miệng dưới đây.

1. Rụng răng: bệnh loãng xương hoặc bệnh thận

Bệnh loãng xương ảnh hưởng đến tất cả các xương trong cơ thể, bao gồm cả xương hàm và có thể làm bạn bị mất răng. Quá trình ăn mòn ở xương hàm dẫn tới tình trạng răng bị rụng, làm khuôn mặt bị biến dạng nhẹ, gây ra các cơn đau ở trong và quanh khớp hàm - có vai trò kết nối giữa hàm trên và hàm dưới. Xương ổ răng nằm xung quanh chân răng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh loãng xương. Chúng có bị mòn rất nhanh khi mà lượng canxi trong cơ thể thiếu hụt nghiêm trọng.



Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những người trưởng thành đã bị rụng hết răng sẽ có nguy cơ bị bệnh thận mãn tính cao hơn so với những người vẫn còn răng. Mối liên quan giữa bệnh thận và bệnh răng miệng vẫn chưa được nghiên cứu một cách toàn diện nhưng các nhà khoa học tin rằng tình trạng viêm nhiễm mãn tính có thể tạo ra mối liên kết giữa hai bệnh này. Vì vậy, hãy chăm sóc răng miệng thật kỹ để hạn chế nguy cơ bị bệnh thận mãn tính.

2. Lợi nhạt màu: thiếu máu
Nướu răng có thể đau và nhạt màu nếu như bạn đang bị thiếu máu. Khi đó, lưỡi cũng sẽ sưng lên và nhẵn hơn. Tình trạng thiếu máu khiến cơ thể không có đủ các tế bào máu đỏ hoặc các tế bào máu đỏ không chứa đủ các huyết sắc tố. Kết quả là cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho mọi hoạt động.



Theo khuyến cáo của Hội đồng hành động vì bệnh thiếu máu quốc gia của Hoa Kỳ thì những triệu chứng khác của bệnh thiếu máu bao gồm cảm giác mệt mỏi, kiệt sức, cơ thể suy nhược, hoa mắt, cáu kỉnh, thở ngắn. Khi bị thiếu máu, da sẽ trở nên xanh và nhợt nhạt hơn, móng tay, chân giòn, xuất hiện các cơn đau ở ngực, cảm giác lạnh bàn tay, chân, nhịp tim thay đổi bất thường. Một số người bị thiếu máu còn thích ăn đá lạnh hoặc những thứ bất thường khác.

3. Mòn men răng: rối loạn tiêu hóa

Điều đầu tiên mà các nha sĩ thường quan tâm khi khám răng đó là kiểm tra các dấu hiệu về rối loạn tiêu hóa ở người bệnh như chứng háu ăn. Lượng axit trong dạ dày tăng cao do cơ thể bị nôn mửa liên tục có thể gây ra tình trạng ăn mòn lớp men răng, đặc biệt là các răng ở hàm phía trên - vốn không được lưỡi che chắn như hàm dưới. Đây là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ sâu răng ở khu vực này và có thể khiến răng trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt độ. Tình trạng ăn mòn còn có thể làm thay đổi cách cắn, nhai hoặc làm mất đi sự kết nối đồng bộ giữa hai hàm răng trên và dưới trong quá trình nhai.



Quá trình ăn mòn men răng thường diễn ra âm thầm và có thể kéo dài tới ba năm trước khi bạn phát hiện ra được rắc rối này. Mặc dù không phải mọi trường hợp mắc chứng cuồng ăn đều bị mòn men răng nhưng phần lớn những người thường xuyên bị nôn, mửa mà không tìm kiếm giải pháp điều trị thích hợp sẽ phải đối mặt với rắc rối về răng này.

4. Bệnh nấm miệng: tiểu đường hoặc nhiễm HIV

Những người nhiễm vi-rút HIV hoặc bị bệnh AIDS rất dễ mắc bệnh nấm miệng hoặc những bệnh có liên quan đến việc nhiễm nấm Candida vì hệ miễn dịch đã bị suy yếu. Bệnh nấm miệng còn có thể bắt nguồn từ việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng viêm hoặc kháng sinh làm mất cân bằng lượng vi sinh vật có trong đường ruột.



Biểu hiện đặc trưng của bệnh nấm miệng đó là những vết màu trắng thường xuất hiện trên lưỡi hoặc bên trong má. Vết thương gây đau và chảy máu nhẹ khi bạn cố tìm cách cạo chúng. Nguyên nhân của bệnh được cho là do sự suy yếu của hệ thống miễn dịch khiến cơ thể không đủ khả năng để đánh bại sự tấn công của loại nấm Candida. Người bị HIV/ AIDS có thể còn gặp thêm một số triệu chứng như khô miệng, làm tăng nguy cơ bị sâu răng, khiến cho quá trình nhai, ăn, nuốt thức ăn hoặc nói trở nên khó khăn hơn.

Nếu không mắc bệnh tiểu đường mà tình trạng nấm miệng cứ kéo dài không dứt, nguyên nhân có thể là do nước bọt của bạn có chưa quá nhiều đường, kích thích nấm Candida phát triển mạnh hơn.
5. Bệnh về lợi: viêm khớp dạng thấp

Số liệu thống kê cho thấy người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh về lợi cao hơn 8 lần so với người không mắc bệnh. Tình trạng viêm nhiễm có thể là mẫu số chung cho cả hai căn bệnh tự miễn dịch này vì viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện khi hệ miễn dịch tấn công vào các tế bào trong cơ thể (bên cạnh việc gây ra các rắc rối cho khớp, viêm khớp dạng thấp còn ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể thông qua các cơn sốt và trạng thái mệt mỏi).



Trong trường hợp nghiêm trọng, người bị viêm khớp dạng thấp có thể gặp rắc rối khi đánh răng hoặc sử dụng chỉ nha khoa vì chúng ảnh hưởng đến các khớp ngón tay. Tuy nhiên, việc điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm trùng ở lợi có thể làm giảm các cơn đau và viêm nhiễm ở khớp.

Read More...

Nhìn răng đoán bệnh và tính cách của bạn

Mất răng sớm có thể là một dấu hiệu của loãng xương. Người nghiến răng có xu hướng nóng nảy, ganh đua, hay lo lắng.Hàm răng không chỉ cho biết bạn là ai mà còn thể hiện sức khỏe tinh thần và sức khỏe xương của bạn.

Hàm răng cho biết bạn là ai

Bất cứ ai từng xem các bộ phim về điều tra tội phạm đều biết rằng thời điểm thám tử phát hiện ra một cơ thể không rõ danh tính, điều đầu tiên họ làm là liên lạc để tìm hiểu về hồ sơ răng miệng. Việc sử dụng hồ sơ răng miệng để xác định danh tính là chính xác. Răng giống như dấu vân tay và có sự sắp xếp không giống nhau giữa từng người. Các nha sĩ pháp y có thể xác định danh tính một người bằng biểu đồ răng của họ chỉ với một ít răng còn lại trên xương hàm. Răng có thể cho bạn biết nhiều thông tin hơn ngoài cái tên của một người.

Ví dụ, từ răng của bạn nha sĩ pháp y có thể biết về tuổi tác, giới tính, gốc gác tổ tiên bạn, việc bạn chơi một loại nhạc cụ nào đó, hay thói quen ăn uống của bạn, bạn có phải là người nghiện thuốc lá hay không. Họ thậm chí còn có thể biết rõ bạn đã làm gì để kiếm sống. Phần thú vị nhất là răng có thể tồn tại một thời gian rất dài nếu được bảo quản trong điều kiện thích hợp, vì vậy có thể là rất lâu sau khi bạn qua đời răng của bạn sẽ vẫn nhắc nhớ bạn là ai.


Ảnh: woodburypedoortho.com.

Sức khỏe xương

Răng là một phần của hệ thống xương nhưng không được coi là xương. Tuy nhiên, sức khỏe của răng đôi khi có thể phản ánh sức khỏe của xương, và không giống như xương, chúng có thể được quan sát mà không cần bất cứ thủ thuật gây đau nào. Có lẽ loại xương dễ quan sát nhất có thể chỉ báo sức khỏe của bạn chính là xương hàm. Thông thường, sự ăn mòn xương hàm có thể được nhận biết từ sự mất răng hoặc đau răng.

Thật không may, tổn thương xương hàm thường có liên quan tới tổn thương xương khác và mất răng sớm được coi là một dấu hiệu của loãng xương. Loãng xương khiến cho xương răng trở nên yếu và dễ gãy. Bệnh này được cho là ảnh hưởng tới tất cả mọi người nhưng vẫn thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ da trắng và châu Á, người đã qua thời kỳ mãn kinh. Rất may, tình trạng này có thể điều trị khi được phát hiện sớm.

Sức khỏe tâm thần

Răng là một trong số ít những bộ phận của cơ thể thể hiện tính cách của một người. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nghiến răng thường liên quan đến những đặc điểm nhất định. Ví dụ, những người nghiến răng có xu hướng nóng nảy, ganh đua và trên tất cả là hay lo lắng. Trên thực tế, khoảng 70% những người nghiến răng bị như vậy vì họ căng thẳng và lo âu.

Một tình trạng khác có thể được phát hiện từ sức khỏe răng miệng là chứng rối loạn ăn uống. Theo Hiệp hội Rối loạn ăn uống Quốc gia Mỹ, trên 83% tất cả những bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn có dấu hiệu của răng bị ăn mòn do sự kết hợp của trào ngược axit dạ dày thường xuyên và đánh răng hoặc súc miệng quá nhiều. Thiếu hụt vitamin do chứng biếng ăn cũng có thể ảnh hưởng tới răng. Các dấu hiệu và triệu chứng của các biến chứng răng miệng do rối loạn ăn uống gồm tổn thương ăn mòn bề mặt răng, thay đổi về vẻ ngoài của răng và tăng nhạy cảm.

Nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ

Theo Bệnh viện Mayo Clinic, Mỹ, mất răng trước tuổi 35 được coi là một yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer. Vẫn phải chứng minh điều kiện vệ sinh răng miệng kém có dẫn tới sa sút trí tuệ ở những người khỏe mạnh hay không, nhưng rõ ràng là có mối liên quan giữa P. gingivalis, một loại vi khuẩn được tìm thấy ở lợi với sự tử vong ở một số bệnh nhân Alzheimer.

Cũng có khả năng những vi khuẩn này khiến cho cho bệnh trầm trọng hơn. Các kết quả trên vẫn chưa phải là cuối cùng. Các nhà nghiên cứu hy vọng một ngày nào đó có thể so sánh được não của người bị sa sút trí tuệ và người trí nhớ bị ảnh hưởng với các hồ sơ răng miệng có liên quan, để xác định xem có hay không mối liên quan giữa vệ sinh răng miệng và sa sút trí tuệ ở người khỏe mạnh.

Hải Ngân (Theo Medicaldaily)

Read More...

Thuốc điều trị bệnh viêm nướu răng

Bệnh viêm nướu răng là bệnh lý răng miệng rất thường gặp, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến bệnh nha chu, làm mất răng do xương và các mô liên kết quanh chân răng bị phá hủy!

Nguyên nhân

Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm nướu răng là sự hình thành mảng bám ở răng.

Các mảng bám là một hỗn hợp gồm thức ăn, vi khuẩn và nước bọt tạo thành và sẽ bám vào chân răng sau khi ăn. Theo thời gian, các mảng bám này sẽ tích tụ dần dần, trở nên cứng (gọi là vôi răng) và là nơi trú ngụ của vi khuẩn, tiết ra các độc tố gây viêm nướu răng.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác:

- Do vệ sinh răng miệng kém.

- Do thói quen hút thuốc.

- Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể như phụ nữ trong thời kỳ mang thai hay sau mãn kinh…

- Do hệ miễn dịch bị suy yếu ở người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh HIV/AIDS, bệnh ung thư…

- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm… làm giảm tiết nước bọt (có vai trò làm sạch vi khuẩn), nên tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn.



Bình thường nướu răng có màu hồng nhạt, chắc khỏe. Khi nướu răng bị viêm, sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

- Nướu răng sưng, đỏ, đau.

- Nướu răng mềm, không bám chắc chân răng.

- Chảy máu ở nướu răng (thường xuất hiện sau khi đánh răng).

- Hơi thở hôi...

Thuốc điều trị bệnh viêm nướu răng

Các dung dịch súc miệng: giúp vệ sinh răng miệng, trong thành phần thường có chứa các chất kháng khuẩn như chlorhexidin, hexetidin, zin gluconat, chlorin dioxide… sẽ làm sạch khoang miệng, loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn ra khỏi miệng.

Nhóm thuốc kháng sinh (beta-lactam, macrolid…): có tác dụng diệt vi khuẩn trú ngụ ở nướu răng, thường được sử dụng trong điều trị viêm nướu răng.

Sự kết hợp của spiramycin (kháng sinh nhóm macrolid) với metronidazol (kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn kỵ khí) trong chế phẩm Rodogyl, mang lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh lý răng miệng như: bệnh viêm nướu răng, nha chu, sâu răng...




"Cái răng cái tóc là góc con người". Sức khỏe răng miệng quý như "kim cương", đồ trang sức của mỗi người.

Nhóm thuốc kháng viêm non-steroid (ibuprofen, acid mefenamic, diclophenac, meloxicam…): làm giảm các triệu chứng sưng, đỏ, đau của viêm nướu răng.

Nhóm thuốc corticosteroid (prednisolon, dexamethason…) có tính kháng viêm mạnh, điều trị hiệu quả các triệu chứng sưng, đỏ, đau của viêm nướu răng.

Cần lưu ý: không được sử dụng nhóm thuốc kháng viêm non-steroid và nhóm thuốc corticosteroid cho người có tiền sử viêm loét dạ dày.

Nhóm thuốc giảm đau thông thường (paracetamol, aspirin…) thường được sử dụng để làm giảm triệu chứng đau do viêm nướu.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, việc phòng ngừa bệnh như vệ sinh răng miệng thật tốt, không hút thuốc, đi khám răng đều đặn... là những biện pháp quan trọng giúp phòng tránh được bệnh viêm nướu răng. AloBacsi.vn
Theo DS Mai Xuân Dũng - Sức khỏe và Đời sống

Read More...

Bệnh răng miệng thường gặp ở tuổi học đường

Chăm sóc sức khỏe nói chung và bệnh răng miệng nói riêng luôn là vấn đề được chú trọng quan tâm trong nhà trường.  Một trong những nguyên nhân dẫn đến sâu răng - viêm lợi đó là vệ sinh răng miệng chưa tốt và chưa đúng cách.

Thực trạng của bệnh răng miệng

Theo kết quả điều tra về răng miệng gần đây cho thấy trên toàn quốc có trên 60% người bị sâu răng. Đặc biệt, có khoảng 85% trẻ em từ 6-8 tuổi bị sâu răng, mỗi trẻ trung bình có tới 6 răng sâu. Bệnh răng miệng hay gặp nhất ở tuổi học đường là bệnh sâu răng sữa và viêm lợi. Sâu răng sữa xuất hiện ở trẻ chưa hoặc bắt đầu thay sang răng vĩnh viễn, đây là lứa tuổi bắt đầu vào lớp 1. Tình trạng sâu răng sữa cũng có thể xuất hiện trước khi trẻ đến trường với biểu hiện nhiều răng bị sún.


Khi chưa thay răng, răng sữa của trẻ thường chỉ có 20 chiếc. Với đặc điểm của răng sữa là kết cấu không bền vững, mềm và dễ bị tác động của vi khuẩn trong miệng, do vậy răng sữa rất dễ bị sâu. Nếu không được điều trị tốt, răng sữa bị sâu sẽ lây lan nhanh sang các răng lành khác và là điều kiện thuận lợi làm cho các răng vĩnh viễn mọc sau đó tiếp tục mắc phải căn bệnh này.


Khi mới bắt đầu sâu, cũng như sâu răng ở người lớn, trên răng sữa của trẻ xuất hiện những đốm màu sậm như cà phê rồi trở nên đen. Các vết đen này ngày một ăn sâu vào trong thân răng làm mòn răng gây đau nhức, khó nhai, thậm chí là sốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương quai hàm và viêm tủy xương hàm ở trẻ.


Hướng dẫn trẻ em đánh răng đúng cách.

Song hành cùng với bệnh sâu răng sữa là tình trạng viêm lợi. Đây là 2 bệnh có quan hệ với nhau. Khi lợi bị viêm sẽ đỏ và sưng tấy, dễ chảy máu, miệng có mùi hôi. Vì lợi bị đau nên nhiều trẻ không chịu đánh răng thường xuyên làm cho tình trạng viêm tiếp tục nặng hơn và tạo điều kiện cho sâu răng phát triển, nếu đã có sâu răng rồi thì càng nặng hơn.


Viêm lợi còn là giai đoạn đầu của quá trình viêm quanh răng, khi bệnh đã nặng thì lợi sẽ không còn bám chắc vào răng nữa mà hình thành các túi lợi, các dây chằng của răng và xương bị vi khuẩn xâm nhập, phá hủy. Trong các túi lợi chứa đầy mảng bám cao răng và vi khuẩn. Quá trình này diễn ra lâu và không được điều trị sẽ làm lung lay và rụng răng.


Bên cạnh đó thì tình trạng thay răng không được chăm sóc tốt, sâu răng, răng bị “sún” làm cho nhiều trẻ có hàm răng vĩnh viễn mọc lệch lạc, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và còn là điều kiện cho mảng bám, vi khuẩn phát triển ở những chỗ răng mọc chen chúc, răng mọc lệch khiến quá trình đánh răng không làm sạch được sẽ gây ra các bệnh răng miệng sau này.

Nguyên nhân gây bệnh

Trong quá trình ăn uống, các mảng thức ăn dính lại trên các kẽ răng nếu không được làm sạch sẽ lên men và tạo điều kiện cho các vi khuẩn có trong vòm miệng phát triển tấn công răng và lợi. Các em học sinh là lứa tuổi rất hay ăn quà vặt, đặc biệt là các loại bánh kẹo, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường, tinh bột.


Hầu hết khi ăn các loại thức ăn này răng miệng các em đều không được làm sạch ngay, các mảng thức ăn còn sót lại trên răng lên men trở thành mảnh đất màu mỡ cho vi khuẩn răng miệng phát triển. Hầu hết trẻ không có thói quen kiểm tra tình trạng răng của mình, chỉ đến khi đau, sưng, chảy máu trẻ mới báo cho cha mẹ biết, lúc đó thường là răng đã sâu nhiều, lợi đã viêm nặng.

Thời gian thay răng, nhiều trẻ có thói quen lung lay răng sữa bất kể khi nào, thậm chí kể cả khi đang chơi. Tay trẻ không sạch khi đưa vào miệng để lung lay răng đã vô tình đưa vi khuẩn vào miệng, chỗ răng bị lung lay đang bị tổn thương ít nhiều trở thành yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm sưng lợi cũng như các vị trí khác trong khoang miệng.


Muốn trẻ có hàm răng đẹp, trẻ phải được chăm sóc ngay từ khi mang thai, đó là cần thực hiện chế độ dinh dưỡng thai nhi tốt, đầy đủ chất cần thiết cho sự phát triển hàm răng đẹp, khỏe của trẻ sau này như canxi, các loại vitamin có trong thức ăn. Trong thời kỳ trẻ thay răng sữa sang răng vĩnh viễn cũng cần bổ sung các chất cần thiết đó cho trẻ. Các bậc cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ đánh răng thường xuyên, nguyên tắc tốt nhất là ăn bao nhiêu bữa thì đánh răng bấy nhiêu lần.

Các bậc phụ huynh nên hạn chế không cho trẻ ăn quà vặt, nhất là đồ ăn sẵn, các thức ăn đường phố không hợp vệ sinh. Khi trẻ thay răng không nên để trẻ tự nhổ hoặc nhổ răng tại nhà cho trẻ, tránh nhiễm khuẩn và chảy máu nặng mà cần đến các phòng khám nha khoa. Cần cho trẻ đi khám răng miệng 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sớm các bệnh răng miệng. Đối với những trẻ có răng mọc lệch lạc, cần đợi cho trẻ mọc đủ răng vĩnh viễn mới xem xét đến việc dùng các dụng cụ nắn chỉnh răng hợp lý.


Trong quá trình học tập, vui chơi tại trường, các thầy cô giáo nhắc nhở trẻ cẩn thận khi vui đùa tránh những tai nạn gãy răng xảy ra, nhất là gãy răng vĩnh viễn sẽ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khả năng phát âm, nhai nghiền của trẻ. Việc dùng răng giả thay cho răng vĩnh viễn bị gãy ở trẻ rất tốn kém và rất nguy hiểm cho trẻ nếu răng giả trồng không cẩn thận khi rơi ra và trẻ nuốt phải sẽ gây nghẹt đường thở của trẻ, tốt nhất nên trồng răng cho trẻ khi trẻ đã trưởng thành.

Phòng và điều trị bệnh răng miệng

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: là điều quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh về răng miệng. Việc làm đó phải giải quyết trong từng bữa ăn, rồi sau khi ăn xong, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, đánh răng hàng ngày với kem đánh răng có chứa fluoride và sử dụng bàn chải mềm. Không được phép sử dụng tăm để xỉa răng vì tăm sẽ dễ gây tổn thương nướu, sưng nướu đau răng thứ phát không kiểm soát .

Đánh răng mặt ngoài: đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm răng, chải theo chiều từ chân răng đến mặt nhai với động tác tới lui nhẹ nhàng. Tránh chải răng theo chiều ngang vì nó sẽ làm mòn chân răng. Chải cẩn thận mỗi vùng 2-3 răng và tuần tự như thế cho sạch tất cả các răng.

Đánh răng mặt trong: đặt lòng bàn chải theo chiều thẳng đứng và dùng đầu bàn chải nhẹ nhàng chải từ trên xuống dưới. Làm sạch lưỡi bằng cách dùng bàn chải, hoặc cạo lưỡi bằng que cạo lưỡi. Nên tránh đánh răng quá nhiều, quá nhanh, quá mạnh làm chảy máu lợi và nướu răng. Khi dùng bàn chải tự động phải sạch kỹ từng răng, vòng theo độ cong của nướu răng và hình dáng của răng để lấy hết các mảng bám trên răng, giữ đầu lông bàn chải ở từng răng trong vài giây để chải sạch rồi mới di chuyển qua răng kế tiếp. Mặc dù đã chải răng vẫn phải dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám ở cổ răng, kẽ răng, vì vẫn còn 40% diện tích răng bàn chải chưa làm sạch được.

Dùng loại nước súc miệng: Natri Clorid 0,9% muối súc miệng lành tính, nước súc miệng có chất phòng ngừa sâu răng sodium florie, nước súc miệng có hoạt chất bổ sung tái tạo men răng, làm tan các mảng bám như zin lactate,… sẽ giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng.

Khám răng định kỳ: ngay cả khi bạn thấy mọi chuyện vẫn bình thường thì cũng nên khám định kỳ 6 tháng/lần. Nha sĩ sẽ giúp bạn phát hiện sớm những bất ổn vì lợi được xem là tín hiệu báo trước những vấn đề về sức khỏe.

Dùng chỉ nha khoa và đánh răng thường xuyên cũng là cách cần thiết để giữ sạch răng miệng.

Chế độ dinh dưỡng: Trong chế độ ăn hàng ngày cần bổ sung vitamin C và B12, hạn chế ăn những thức ăn quá ngọt và nước giải khát có ga như coca, pepsi...

Nếu là phụ nữ mang thai hoặc trẻ em nên chọn ăn những thức ăn mềm, nấu nhừ, dễ tiêu hóa và ít phải nhai để không gây tổn thương răng lợi.. AloBacsi.vn
Theo TS.Nguyễn Lê Triệu - Sức khỏe và Đời sống

Read More...

Hệ quả của việc không chăm sóc răng miệng thường xuyên

Không chăm sóc răng miệng cẩn thận không chỉ khiến bạn có hơi thở khó chịu, nó còn khiến bạn mắc một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Ngay cả khi bạn đánh răng hàng ngày, bạn vẫn có thể bị vi khuẩn nguy hiểm sinh sôi trong miệng. Không chỉ là nha chu (một dạng viêm nướu, có triệu chứng đi kèm là chảy máu khi đánh răng và đau nướu) mà còn gây ra nhiều chứng bệnh khác.

Không chăm sóc răng miệng cẩn thận có thể mắc một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Dưới đây là một số thông tin về các chứng bệnh gặp phải và lời khuyên của chuyên gia:

Đau tim

Những người bị bệnh nướu răng có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao gấp hai lần người bình thường. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn lý do tại sao lại như thế, nhưng có giả thuyết cho rằng vi khuẩn lưu trú trong miệng đã đi vào máu và gắn các mảng bựa vào thành mạch máu của tim, dẫn đến các chứng sưng viêm và tăng nguy cơ máu vón cục, có thể kích hoạt các cơn đau tim.

Giảm trí nhớ

Một số nghiên cứu cho rằng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe răng miệng kém và việc gia tăng nguy cơ mất trí nhớ. Một cuộc nghiên cứu trên 118 nữ tu trong độ tuổi từ 75 đến 98 đã phát hiện ra rằng những người có ít răng, ít làm vệ sinh răng miệng thì có trí nhớ kém hơn.


Các chuyên gia cho rằng vi khuẩn đường miệng có thể lây lan đến não thông qua các dây thần kinh sọ kết nối với xương hàm thông qua dòng máu. Điều này có thể liên quan đến chứng Alzheimer.

Bị tiểu đường

Những người bị tiểu đường có nhiều khả năng mắc bệnh nha chu hơn người bình thường. Điều này có thể là do bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng. Cũng có một cuộc nghiên cứu cho thấy bệnh viêm nướu có thể làm người ta khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn, và khi điều trị bệnh viêm nướu sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Nhiễm trùng đường hô hấp

Theo tạp chí Periodontology, bệnh viêm nướu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và viêm phổi. Các bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra do vi khuẩn từ miệng được hít vào phổi, có thể gây ra viêm đường hô hấp.

Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Một phát hiện của các nhà nghiên cứu ở Tây Úc, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản bị bệnh nướu răng sẽ mất trung bình hơn 7 tháng để thụ thai - lâu hơn so với phụ nữ bình thường chỉ mất 5 tháng để có bầu.

Một số nghiên cứu khác cho rằng những phụ nữ mang thai bị viêm nướu có tỉ lệ sảy thai cao hơn những người khác.
AloBacsi.vn
Theo Cẩm nang gia đình

Read More...

Không nên xem nhẹ các bệnh về răng

Dân gian có câu“Cái răng, cái tóc là vóc con người” cho thấy tầm quan trọng của răng và tóc đối với con người.

Thạc sỹ Lộc Thị Thanh Hiền và y tá đang điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều người coi nhẹ các bệnh về răng miệng, dẫn đến tỷ lệ người mắc các bệnh về răng miệng là rất cao, đặc biệt ở lứa tuổi học đường.

Nguyên nhân của nhiều bệnh

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2013, 90% dân số Việt Nam mắc các bệnh về răng miệng. Không những thế, các bệnh về răng còn là nguyên nhân của nhiều bệnh nghiêm trọng khác. Chẳng hạn, tình trạng mòn răng có liên quan đến trào ngược axit dạ dày, mất cân bằng khoáng chất.

Ví như khi bạn có hiện tượng nghiến răng, đôi khi đây chỉ đơn giản xuất phát từ việc hàm răng của bạn mọc lệch. Tuy nhiên, những người trong trạng thái căng thẳng thần kinh, tức giận thái quá, thiếu hụt chất dinh dưỡng, mất nước hoặc lạm dụng thuốc cũng dễ có tật nghiến răng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bệnh viêm nướu răng, hay còn gọi là bệnh nha chu - bệnh nhiễm trùng của các mô chung quanh cổ răng và xương cổ răng là một trong những nguyên nhân dẫn đến biểu hiện của một vấn đề về tim. Vì các loại vi khuẩn trong miệng dễ dàng xâm nhập các mạch máu và gây ra mảng bám. Đây chính là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn, giúp vi khuẩn có cơ hội lưu thông trong toàn bộ cơ thể. Những vi khuẩn này xâm nhập các vết lở loét ở nướu và lợi để vào tim. Chúng bám chặt vào thành mạch khiến cho hệ miễn dịch khó phát hiện để loại bỏ. Từ đó, chúng hoành hành và làm tổn thương các mô ở thành mạch. Nhiều trường hợp vi khuẩn còn là nhân tố thúc đẩy sự hình thành các cục máu đông - nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng nhồi máu cơ tim…

Làm khỏe trước khi làm đẹp

Một thực trạng đáng buồn là, không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng chưa được trang bị kiến thức về chăm sóc răng miệng đúng cách. Từ những việc tưởng chừng rất đơn giản như sử dụng bàn chải thế nào cho đúng, đánh răng thế nào để không gây tổn hại cho nướu và cổ răng.

Theo như Thạc sĩ, bác sĩ Lộc Thị Thanh Hiền - giảng viên khoa Trung tâm răng miệng, Trường Đại học Y, cần có các biện pháp phòng và chăm sóc răng miệng cụ thể như sau: Đánh răng kỹ ít nhất hai lần mỗi ngày hoặc sau khi ăn và dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Sử dụng các sản phẩm nha khoa có chứa fluor, bao gồm cả kem đánh răng. Sử dụng các loại nước súc miệng có chứa fluor không có chất alcohol theo hướng dẫn của nha sĩ. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và hạn chế các đồ ăn nhẹ giữa các bữa ăn, tránh các thức ăn chứa nhiều chất đường sau bữa ăn tối hoặc các buổi ăn khuya.

Ngoài ra, khi bắt đầu có những triệu chứng như nướu răng bị tổn thương hoặc chảy máu trong khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, hoặc có hơi thở hôi liên tục, cổ răng bị tê buốt khi ăn đồ lạnh thì hãy đến ngay nha sĩ. Bất kỳ triệu chứng nào kể trên đều có thể dẫn đến những bệnh về răng miệng. Cần điều trị kết hợp với việc kiểm tra răng định kỳ, lấy vôi răng mỗi sáu tháng một lần giúp loại bỏ các mảng bám, mảng vôi lâu ngày bám vào chân răng, gây viêm nướu.

Cũng theo bác sỹ Lộc Thị Thanh Hiền, một số bệnh về răng khác như cười hở lợi cần can thiệp sớm bằng phẫu thuật vào vùng xương hàm hay vùng cơ; bệnh móm can thiệp bằng điều chỉnh nha. Móm trên thì nên can thiệp từ khoảng sáu tuổi, để xử lý cho khớp với hàm dưới.

Một số bệnh răng lại không nên can thiệp sớm, như trường hợp răng không đều. Việc can thiệp nên vào thời kỳ răng đã ổn định (mọc đủ bốn răng trên, dưới hoặc thay xong răng sữa). Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con mình mọc hai răng cửa trên thưa đã đi can thiệp răng là không cần thiết vì thông thường sau khi mọc đủ, bốn răng cửa trên và dưới răng sẽ tự khít vào nhau. Nếu trường hợp đã mọc đầy đủ bốn răng trên, dưới mà còn thưa, lúc đó hãy đi điều chỉnh cũng không muộn. Thường tuổi từ 12-15 tuổi là lứa tuổi can thiệp chỉnh nha tốt nhất.

Hiện có đến 85% lứa tuổi học đường vẫn còn mắc các bệnh về răng miệng, do vậy cần sớm trang bị kiến thức về răng miệng cho cả người lớn và trẻ em để tình trạng các bệnh về răng miệng giảm dần trong những năm tiếp theo.

Read More...

Các loại củ quả làm sạch răng miệng

Một quả táo được xem như chiếc bàn chải đánh răng tự nhiên giúp loại bỏ mẩu thức ăn, vi khuẩn trong lúc nhai và đánh bật các vết bẩn quanh răng.

Đa phần chúng ta đều biết rượu vang đỏ làm ố răng, đường làm hư răng. Nhưng bạn có biết những thứ chúng ta ăn hàng ngày cũng tác động đáng kể đến sức khỏe răng miệng? Nha sĩ Peter Alldrit, Chủ tịch Ủy ban sức khỏe răng miệng, Hiệp hội Nha khoa Australia khẳng định nhiều loại thực phẩm có thể giúp giữ răng chắc khỏe, sạch sẽ, chẳng hạn như:

Táo

Một quả táo được xem như chiếc bàn chải đánh răng tự nhiên, loại bỏ những mẩu thức ăn rải rác và vi khuẩn trong lúc nhai, đồng thời đánh bật các vết bẩn ở quanh răng. Cũng giống như cà rốt sống, táo chứa hàm lượng nước cao, làm giảm những tác động tiêu cực của đường, đồng thời thúc đẩy cơ chế tiết nước bọt, giúp bảo vệ răng miệng, chống lại sâu răng.



Ảnh: Bodyandsoul.


Dâu tây

Dâu tây được đánh giá là một chất làm trắng tự nhiên mạnh với thành phần chất làm se (axit malic) giúp loại bỏ vết bẩn ở răng, vitamin C làm trắng răng nhờ tác dụng tẩy sạch bựa răng.

Một mẹo làm trắng răng tự nhiên được biết đến phổ biến là đánh răng với hỗn hợp dâu tây nghiền trộn với một ít soda. Ngay sau đó cần súc miệng với nước và nước súc miệng để rửa sạch đường. Tuy nhiên Aldritt cảnh báo sự kết hợp của soda có tính mài mòn và dâu tây có tính axit có thể làm hỏng men răng của bạn, do đó không nên thực hiện quá lâu hoặc nhiều lần.

Trái cây họ cam quýt

Trái cây chứa hàm lượng vitamin C cao như cam, chanh có thể giúp nướu khỏe mạnh bằng cách tăng cường các mạch máu và mô liên kết. Vitamin C cũng giúp giảm viêm, ngăn chặn và làm chậm tiến trình của bệnh viêm lợi, viêm nướu. Tuy nhiên, hãy ăn các loại trái cây này một cách điều độ bởi chúng chứa hàm lượng axit cao có thể ăn mòn men răng. Tránh đánh răng trong vòng một giờ sau khi ăn trái cây họ cam quýt để nước bọt có thời gian vô hiệu hóa tác động của axit.

Sữa

Sữa và các chế phẩm từ sữa rất tốt cho răng miệng vì chứa những dưỡng chất chống sâu răng đặc biệt như casein, canxi, photpho. Một số nghiên cứu cho thấy sữa có thể cải thiện tình trạng sâu răng, mòn răng nhờ các khoáng chất "trám" vào men răng.

Các loại hạt tốt cho sức khỏe răng miệng. Ảnh: Bodyandsoul.

Các loại hạt

Hầu hết các loại hạt cung cấp dưỡng chất có lợi cho răng. Nhất là đậu phụng (lạc) hạnh nhân và quả óc chó, tất cả chúng đều chứa canxi, magie và vitamin, khoáng chất cần thiết cho sức khỏe răng miệng. Các loại hạt cũng chứa hàm lượng chất xơ cao giúp làm sạch răng, giúp bạn có một bữa ăn lành mạnh vì chúng thúc đẩy cơ chế tiết nước bọt và rửa sạch các mảng bám.

Pho mát

Mỗi lần bạn ăn một khẩu phần có pho mát, răng sẽ "cám ơn" bạn. Protein trong pho mát được biết với tác dụng bảo vệ men răng và tăng nồng độ pH, giúp chống lại các mảng bám. Pho mát cũng kích thích nước bọt, bảo vệ răng khỏi tác động axit và chống sâu răng.

Ảnh: Bodyandsoul.

Nhai kẹo cao su

Kẹo cao su không đường giúp làm sạch răng sau khi ăn vì chúng chứa đường rượu xylitol giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn sâu răng. Xylitol hoạt động bằng cách tạo một hàng rào ngăn chặn vi khuẩn bám vào bề mặt răng. Nhai kẹo cao su khoảng 15 phút sau khi ăn sẽ kích thích điều tiết nước bọt và trung hòa axit diễn ra trong răng miệng bạn sau khi ăn.

Nho khô

Nho khô chứa lượng đường tự nhiên cao và chất chống oxy hóa mạnh được gọi là axit oleanolic. Nho khô có thể chặn đứng sự phát triển của các loại vi khuẩn phổ biến được tìm thấy trong răng miệng gây viêm và bệnh nướu răng.

Thi Trân (theo Bodyandsoul)

Read More...

Mẹo hay giúp trị loét miệng nhanh chóng

Vệ sinh răng miệng bằng nước súc miệng, thay đổi thực đơn bữa ăn, uống viên C sủi là cách điều trị nhiệt miệng an toàn và hiệu quả.

ảnh minh họa

Tôi từng khổ sở vì căn bệnh nhiệt miệng, đặc biệt vào mùa hè. Sau một thời gian tìm tòi phương pháp chữa trị, tôi rút ra một số kinh nghiệm khá hiệu quả xin chia sẻ cùng mọi người như sau:

Nguyên tắc cần và đủ để phòng và điều trị nhiệt miệng là làm mát cơ thể mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó chú ý vệ sinh răng miệng bằng nước súc miệng, thay đổi thực đơn bữa ăn, uống C sủi là cách điều trị bệnh này an toàn và hiệu quả.

Nhiệt miệng hay lở loét miệng là một chứng bệnh thường gặp ở hầu hết lứa tuổi. Bệnh gần như xuất hiện quanh năm, đặc biệt vào mùa thời tiết hanh khô, nắng nóng.

Bệnh phổ biến đến mức gần như ai cũng từng mắc phải ít nhất một lần trong đời. Muốn đẩy lùi nhanh nhiệt miệng, cần hiểu được nguyên nhân để có cách chữa trị hợp lý.

Nguyên nhân gây bệnh này là hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm. Từ đó vi khuẩn dễ dàng tấn công vào khoang miệng, gây ra những vết lở loét ở lưỡi, nướu và các vị trí khác trong miệng.

Ngoài ra do cơ thể bị thiếu hụt nước dẫn đến cơ nhiệt tăng cao, nóng trong người.

Tuỳ theo cơ địa của mỗi người mà các vết lở loét xuất hiện nhiều hay ít, nhanh hay chậm, to hay nhỏ. Thực tế có nhiều người thường ăn đồ xào, chiên, ăn bánh mì, ăn mì gói hàng ngày, ít uống nước mà không bị nhiệt miệng là do cơ địa “mát”, khả năng miễn dịch cao. Ngược lại, có người kiêng khem đủ thứ vẫn bị bệnh này.

Nhiệt miệng là bệnh lành tính nhưng nó khiến bệnh nhân đau rát, khó chịu, ăn uống không ngon, giảm khả năng làm việc, học tập. Nguyên tắc cần và đủ để phòng và điều trị nhiệt miệng là làm mát cơ thể mọi lúc mọi nơi.

Kinh nghiệm trị bệnh

1. Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng 2-3 lần hàng ngày. Đánh răng lâu sẽ khiến bạn cảm thấy đau rát thế nên chỉ cần quẹt kem lên từng chiếc răng cho "có lệ", sau đó súc bằng nước súc miệng là được.

Lúc này nước súc miệng đóng vai trò như thuốc giảm đau sẽ làm dịu một phần cảm giác rát, tính sát khuẩn của nó còn giúp đánh bay cái lớp vàng nhầy nhầy quanh vết loét. Như vậy, vết thương trong miệng vừa được giảm đau, vừa được sát khuẩn thì sẽ mau lành hơn.

2. Thay đổi thực đơn đặc biệt cho những ngày bị nhiệt miệng: Loại bỏ những món ăn có tính háo nước ra khỏi thực đơn. Tăng cường những loại rau có vị đắng nhưng tính mát như rau đắng, khổ qua, rau má, các loại rau củ giúp thanh nhiệt như bầu, bí, rau dền, giá đậu.

Uống các loại nước mát như nước chanh, nước mía, nước đậu xanh, dừa, nha đam. Nếu huyết áp tốt, bạn có thể uống rau má đậu xanh.

3. Uống viên sủi vitamin: Thuốc sủi là trợ thủ đắc lực trong việc chữa nhiệt miệng. Sau khi ngâm trong nước cho thuốc sủi hết bọt, nên uống trước 16h vì vitamin C có tính kích thích thần kinh, uống trễ sẽ gây khó ngủ. Liều lượng khuyên dùng: 60 mg mỗi ngày.

Lưu ý: Nhiệt miệng diễn tiến từ vài ngày đến vài tuần nên bạn cần đầu tư thời gian, kiên trì trị bệnh ít nhất 3 - 4 ngày trở lên mới hiệu quả.

Phòng bệnh

1. Uống ít nhất 2 lít nước lọc hàng ngày để cơ thể đủ nước và tươi mát. Đây là biện pháp phòng bệnh về nhiệt đơn giản và ít tốn kém nhất. Không cần phải uống nước mía, nước dừa mà chỉ cần nước lọc là đủ.

2. Hạn chế ăn những thực phẩm liên quan đến 3 chữ “khô, chiên, xào” vì nhóm này có tính háo nước. Nghĩa là khi ăn vào, tự nhiên chúng sẽ hút nước của cơ thể, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt nước, làm cơ nhiệt tăng lên.

Để giải quyết bài toán hám ăn đồ khô, chiên thì bạn cần uống nước khoáng hay nước biển khô để bù nước vì nước lọc không thể bù nước kịp trong trường hợp này.

3. Ăn nhiều trái cây, thực phẩm có vitamin C và chất xơ như đu đủ, ổi, cam, cà chua, kiwi, mâm xôi, dâu tây… Các loại trái cây này vừa làm đẹp da, có lợi cho sức khoẻ lại tăng tính mát cho cơ thể.

Bạn nên hạn chế ăn trái cây có màu vàng sậm, ngọt lịm như mít, sầu riêng, nhãn vì đây là các loại trái cây nhiệt đới gây nóng trong người.

Read More...